Search the Site

Donate

How Does the Hebrew Bible Relate to the Ancient Near Eastern World? (Vietnamese)

Biết một điều gì đó về lịch sử và văn hóa của vùng Cận Đông cổ đại sẽ làm sâu sắc thêm sự hiểu biết về lịch sử của các bản văn trong Kinh Thánh Hê-bơ-rơ.


Ishtargate-pergamon

KINH THÁNH HÊ-BƠ-RƠ LIÊN QUAN VỚI THẾ GIỚI CẬN ĐÔNG CỔ ĐẠI

NHƯ THẾ NÀO?

Tác giả: Alan Lenzi 

Phiên dịch: Bùi Kim Thanh

 

Có được một số kiến thức về Thời đại Khai sáng thế kỷ 18, về lịch sử thuộc địa Mỹ và về những người nào đã tham dự Hội Nghị Hiến Pháp sẽ giúp cho bạn hiểu nhiều hơn về lịch sử của Hiến pháp Hoa Kỳ.  Tương tự như vậy, có được một số kiến thức về lịch sử và văn hóa Cận Đông cổ đại sẽ giúp bạn thấu hiểu hơn về lịch sử của các tài liệu được dùng để biên soạn Kinh Thánh Hê-bơ-rơ.

Bài viết này bao gồm ba đề tài thảo luận ngắn: truyền thống của các thầy thông giáo thời Cận Đông cổ đại, các giao ước, và các khái niệm về thần.  Ba đề tài thảo luận này thuyết minh rằng sự hiểu biết lịch sử một cách sâu sắc là bước đầu tiên để nhận thấy Kinh Thánh Hê-bơ-rơ vừa giống cũng như vừa khác biệt với các văn phẩm khác của thời Cận Đông cổ đại.

Truyền thống thông giáo: Ai đã viết các bản kinh văn và điều này nói lên cho chúng ta những gì?

Các thầy thông giáo đã biên soạn các bản kinh văn làm thành Kinh Thánh Hê-bơ-rơ. Đây là một trong những vấn đề cơ bản nhất về Kinh Thánh Hê-bơ-rơ. Không có các thầy thông giáo, sẽ không có Kinh Thánh! Rất ít người trong thế giới cổ đại biết chữ để biên soạn các bản văn thời Cận Đông cổ đại mà chúng ta có hiện nay, bao gồm cả Kinh Thánh Hê-bơ-rơ.  Các thầy thông giáo là một thành phần của giới thượng lưu trí thức, và nhiều người trong số họ phục vụ trong các tổ chức lớn của xã hội, trong cung điện và đền thờ. Mặc dù công việc chính của một số thầy thông giáo là viết các văn kiện thông dụng hàng ngày như thư từ và hợp đồng, những thầy thông giáo có kiến thức cao thường bận rộn với các vấn đề quan trọng hơn, như vũ trụ học, nghi lễ, văn bản cầu nguyện, luật pháp và khải thị.  Các thầy thông giáo này thông thường hiếm khi công bố quyền tác giả của các bản văn của mình, và đôi khi họ quy kết tác phẩm của họ cho các danh nhân cổ xưa.

Tất nhiên, công việc của các thầy thông giáo không chỉ đơn giản bao gồm việc soạn thảo các văn bản mới; họ cũng sao chép những bản văn cũ.  Xem xét nhiều phiên bản của các bản sao chép có cùng bản gốc chúng ta biết được rằng các thầy thông giáo sao chép văn bản một cách rất thoáng đạt. Họ có thể cho thêm vào tài liệu mới, xóa các nội dung mà họ không vừa ý, hoặc sắp xếp lại toàn bộ bản văn. Ngoài ra, các thầy thông giáo cũng vấp lỗi. Bạn hãy thử viết tay sao chép lại một vài trang ấn phẩm và xem bạn mắc phải bao nhiêu lỗi!

Sự hiểu biết về truyền thống thông giáo Cận Đông cổ giải thích rất nhiều điều về Kinh Thánh Hê-bơ-rơ. Chẳng hạn, không phải ngẫu nhiên mà Kinh Thánh tập trung vào các vị vua và thầy tế lễ và xem xét các đề tài như vũ trụ học (Sáng-thế Ký  1, Gióp 38), nghi lễ (Lê-vi Ký, Dân-số Ký), cầu nguyện (Thi-thiên), luật pháp (Xuất Ê-díp-tô Ký 21-23, Phục-truyền Luật-lệ Ký 12-26) và khải thị (Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên).  Những đề tài đó là những mối quan tâm của các thầy thông giáo.  Đúng như dự đoán, nhiều văn bản văn Kinh Thánh không mang tên tác giả (ví dụ, xem Các Quan Xét) hoặc tác quyền được gán cho nhân vật quan trọng trong truyền thống (như Môi-se cho Phục-truyền Luật-lệ Ký và nhiều bài Thi-thiên được cho là do Đa-vít viết). Khi các kinh văn cho chúng ta thấy bằng chứng về sự bổ sung thêm (ví dụ, Ê-sai bắt đầu hai lần, một lần trong Ê-sai 1:1 và một lần nữa trong Ê-sai 2:1), chúng ta không nên ngạc nhiên. Sự hiểu biết về truyền thống thông giáo Cận Đông cổ đại cho chúng ta biết rằng đây là những điều bình thường khi chúng ta tìm thấy các bản văn tương đồng nhưng khác nhau về cách diễn đạt (so sánh Giê-rê-mi 52, Giê-rê-mi 39: 1-10, Giê-rê-mi 40: 7-9 và Giê-rê-mi 41: 1-3 với 2 Các Vua 24: 18-25: 30) hoặc khi chúng ta tìm thấy các lỗi trong các bản kinh văn tiếng Hê-bơ-rơ lâu đời nhất (xem 1 Sa-mu-ên 13: 1 [so sánh các bản dịch tiếng Anh ở đây]).

Các tài liệu thánh kinh tồn tại lâu đời sau sự sụp đổ của Do Thái cổ đại, hiển nhiên. Trên thực tế, các mối đe dọa sự sống còn của người Do Thái cổ đại là động lực thúc đẩy các thầy thông giáo bảo tồn truyền thống thân yêu mà họ ấp ủ. Các thầy thông giáo Cận Đông cổ đã lưu truyền một số bản văn qua rất nhiều thế kỷ. Nhưng không có bản văn nào khác có được một chuỗi truyền tải không bị gián đoạn cho đến ngày nay như Kinh Thánh Hê-bơ-rơ.

Các giao ước là gì và việc sử dụng Phục-truyền Luật-lệ Ký có nét đặc biệt như thế nào?

Xuyên suốt lịch sử Cận Đông cổ đại, người ta đã sử dụng các thỏa thuận chính thức để trao quyền cho môi giới và phân công bổn phận giữa hai bên, thường là giữa các vị vua. Học giả gọi các thỏa thuận này hiệp ước; còn học giả trong ngành Thánh Kinh Học gọi đó là giao ước. Thành viên của giao ước đôi khi gồm có các vị vua ngang hàng với nhau, và đôi khi là vua của nước bá chủ và vua của nước chư hầu. Các hiệp ước Cận Đông cổ đại nổi tiếng nhất có nguồn gốc xuất phát từ người Hittites (từ đầu đến giữa thiên niên kỷ thứ hai B.C.E.) và Neo-Assyria (có vương quốc phát triển mạnh từ khoảng đầu thế kỷ thứ chín đến cuối thế kỷ thứ bảy B.C.E.). Các vị vua Neo-Assyrian cũng áp đặt các thỏa thuận giống như hiệp ước đối với toàn bộ dân sự; học giả gọi những thỏa thuận nầy là những tuyên thệ trung thành.

Những văn kiện hiệp ước hoặc tuyên thệ này nhằm giải quyết các vấn đề quan trọng đối với các vị vua. Vì vậy, chúng ta đọc trong các hiệp ước Hittite, ví dụ, hiệp ước về lòng trung thành với nhà vua, thiết lập biên giới và hợp tác quân sự, và những vấn đề khác. Lòng trung thành với Hoàng thái tử và sự bảo vệ việc kế vị Hoàng gia là nội dung chính của Hiệp Ước Kế Vị Esarhaddon (Esarhaddon là một vị vua Assyria cai trị từ năm 680 đến 669 B.C.E.).  Người tuyên thệ thậm chí còn được lệnh phải yêu mến Hoàng thái tử (xem hàng 266 của Hiệp Ước Kế Vị Esarhaddon), điều đó có nghĩa rõ ràng là họ phải trung thành và tuân theo Hoàng thái tử.

Mặc dù hình thức và nội dung của các hiệp ước Cận Đông cổ đại thường giống nhau, nhưng cũng có những hiệp ước chứa đựng các điều khác biệt liên văn hóa và các dạng biến thể địa phương, đặc biệt là khác biệt về nội dung và thứ tự của các tiết mục điển hình. Các hiệp ước Hittite thông thường bắt đầu với phần giới thiệu lịch sử và gồm có một bản liệt kê các phước lành cho sự vâng lời và nguyền rủa cho sự bất tuân. Các hiệp ước Neo-Assyrian không có phần giới thiệu lịch sử, không liệt kê các phước lành, và đặc biệt có phần nguyền rủa rất dài.

Thành viên của các hiệp ước cầu khẩn các quyền lực thiêng liêng để chứng kiến các quy định và tuyên thệ mà đôi bên hứa nguyện tuân theo. Và các tài liệu nầy thường được đem lưu trử trong một ngôi đền thờ, là nơi các hiệp ước này được xem như là lời nhắc nhở các vị thần để thực thi hiệp ước. Các tài liệu người Hittite cũng yêu cầu chư hầu đọc văn bản văn của họ.

Sự hiểu biết về các hiệp ước Cận Đông cổ đại giúp chúng ta thông hiểu nhiều hơn một số phân đoạn Kinh Thánh. Ví dụ nổi bật nhất là sách Phục-truyền Luật-lệ Ký, sách nầy chứa đựng các đặc điểm của các văn bản Hittite và Neo-Assyrian. Giống như các hiệp ước đó, nội dung chính của Phục-truyền Luật-lệ Ký là các quy định (luật lệ) nằm trong chương 12-26.  Phần mở đầu lịch sử đi trước các quy định (Phục-truyền Luật-lệ Ký 1-11) và phần phước lành đi tiếp theo sau đó (Phục-truyền 28:1-14), giống như trong các hiệp ước Hittite. Những lời nguyền rủa, giống như trong các bản văn Neo-Assyrian, rất bao quát (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28: 15-68) và trong một số trường hợp rất gần giống y như những lời nguyền rủa trong Hiệp Ước Kế Vị Esarhaddon (so sánh các hàng 419 – 430 với Phục-truyền Luật-lệ Ký 28: 26-35). Nhiều phân đoạn trong Phục-truyền Luật-lệ Ký đòi hỏi sách nầy phải được ký gửi với các thầy tế lễ của Yahweh, và đọc định kỳ cũng như các hiệp ước Hittite (xem Phục-truyền Luật-lệ Ký 31: 9-13, Phục-truyền Luật-lệ Ký 31: 24-26 và Phục-truyền Luật-lệ Ký 17: 18-19). Giống như lời thề trung thành của chư hầu với bá chủ Neo-Assyria, Yahweh thực hiện giao ước với toàn bộ dân sự Israel (xem Phục-truyền Luật-lệ Ký 29: 14-15, bao gồm các thế hệ tương lai). Sau cùng, khi Môi-se khuyến khích dân Y-sơ-ra-ên kính yêu Yahweh bằng cả trái tim, linh hồn, tâm trí và sức mạnh của họ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6: 5), trong lịch sử chúng ta biết giao ước sự kính yêu này là một hành động trung thành và vâng phục hơn là một cảm xúc chủ quan, dịu dàng.

Điều nổi bật là đặc biệt đáng chú ý trong Kinh Thánh Hê-bơ-rơ là một vị thần chứ không phải là một vị vua thực hiện một hiệp ước / giao ước với người dân của mình. Sự thích nghi độc đáo này có lẽ mang tính chất đả phá. Nếu, như hầu hết các học giả nghĩ, Phục-truyền Luật-lệ Ký (hoặc một số phiên bản của nó) đã được xuất bản trong thời Neo-Assyrian khi Judah là một chư hầu của người Assyria, thì việc Phục-truyền Luật-lệ Ký nhìn nhận Yahweh là vị chúa tể trị mang định ý từ chối lãnh chúa Assyria.

Khái niệm về thần: Có phải thần của Kinh Thánh Hê-bơ-rơ không giống như các vị thần Cận Đông cổ đại?

Có và không. Kinh thánh nói chung quan niệm về Yahweh theo thuật ngữ nhân học, đó là theo hình dạng con người (xem Xuất Ê-díp-tô Ký 24: 9-11, Xuất Ê-díp-tô Ký 33: 20-23) và các nhân tính (ví dụ, Ngài có cảm xúc của con người và khả năng nhìn, nghe, ngửi, và đi bộ). Ngoài ra, nhiều phân đoạn Kinh Thánh mô tả Yahweh sống trong một ngôi nhà lớn (một ngôi đền), với những người hầu (thầy tế lễ) để chăm sóc cho nhu cầu của mình (dâng của lễ). Những điều nầy và tất cả phần còn lại rất giống với các thần của Cận Đông cổ đại.

Tuy nhiên, không giống như các dân tộc Cận Đông cổ đại khác, là những người làm ra hình tượng của các thần của họ, Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ thường phỉ báng thần tượng (xem Xuất Ê-díp-tô Ký 32: 4-6, Ê-sai 44: 9-20) và phản đối mạnh mẽ việc tạo ra thần tượng trong bất kỳ hình thể nào (xem Xuất Ê-díp-tô Ký 20: 4-6).

Ngoài ra, trái ngược với chủ nghĩa đa thần không được đánh giá cao của các nền văn hóa Cận Đông cổ đại khác, các bản văn Kinh Thánh chỉ tập trung vào một vị thần. Tất nhiên, Kinh Thánh Hê-bơ-rơ đã được viết trong một thời gian dài, và nó phản ánh sự thay đổi ý tưởng, thậm chí về Yahweh. Do đó, nhiều văn bản trong Kinh Thánh mang tính chất của đơn nhất thần luận (henotheistic), nghĩa là họ xem Yahweh là vị thần quan trọng nhất trong số các vị thần hiện hữu khác (xem Phục-truyền 4:7, Giô-suê 24:15). Giống như Chemosh là thần của Moab, chẳng hạn, Yahweh là thần của Israel (Dân-số Ký 21:29; xem thêm Các Quan Xét 11:12, 11:24, trong đó Chemosh là một vị thần của Ammonites). Chỉ có một vài văn bản Kinh thánh rõ ràng là độc thần luận (Ê-sai 45:5-6), các bản văn nầy thuộc thế kỷ thứ sáu B.C.E. hoặc sau đó.

Trong tất cả các nền văn hóa, người ta rất giống nhau nhờ có chung nhân tính. Nhưng mỗi nền văn hóa phát triển một số tính năng đặc biệt làm cho nó độc đáo. Do vị thế đương đại của Kinh Thánh, nên người ta có khuynh hướng quá coi trọng tính chất thực sự khác biệt của nó với các tài liệu Cận Đông cổ đại khác. Từ góc độ lịch sử, một cách tiếp cận cân bằng hơn, nhận ra những điểm tương đồng và khác biệt của Kinh Thánh so với các nền văn hóa lân cận là công thức tốt nhất để hiểu Kinh Thánh Hê-bơ-rơ.

  • Alan Lenzi

    Alan Lenzi is associate professor of religious and classical studies at University of the Pacific in Stockton, California. He specializes in the study of first-millennium ancient Near Eastern religious traditions, including the Mesopotamian imperial context of the Hebrew Bible. A number of his publications are accessible at the following URL: http://pacific.academia.edu/AlanLenzi.